Rút kinh nghiệm từ dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây khi xây dựng không tính toán kỹ đường dân sinh cũng như đường các điểm giao cắt nên quá trình sử dụng đã gây khó khăn cho người dân đi lại, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang được tỉnh Đồng Nai yêu cầu làm kỹ các đường gom dân sinh.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hình thành sẽ giảm áp lực cho tuyến quốc lộ 51 đang ngày một quá tải. Trong ảnh: Kẹt xe trên quốc lộ 51 tại khu vực xã Long Phước, huyện Long Thành
Theo Ban Quản lý dự án 85 (PMU 85) thuộc Bộ Giao thông – vận tải (chủ đầu tư dự án), tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ khởi công vào năm 2018. Tuyến đường đang được nhiều người dân mong đợi để giảm lượng xe cho quốc lộ 51.
* Xuyên các khu dân cư, khu công nghiệp
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã yêu cầu tất cả các cầu vượt khi thiết kế phải có hành lang cho người đi bộ. Đặc biệt với nút giao với đường 25C cần lưu ý thêm tuyến đường sắt nối từ sân bay Long Thành về TP.Hồ Chí Minh. |
Theo báo cáo của Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông – vận tải (TEDI), dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được tách thành 2 dự án thành phần để triển khai xây dựng.
Dự án thành phần 1 là đoạn Biên Hòa – Tân Thành – cụm cảng quốc tế Thị Vải – Cái Mép có chiều dài gần 47km, trong đó đoạn Biên Hòa – Tân Thành dài 38km đi song song với quốc lộ 51. Điểm đầu của dự án nối với đường Võ Nguyên Giáp (đường tránh Biên Hòa), cách điểm giao giữa đường Võ Nguyên Giáp với quốc lộ 51 khoảng 1,5km. Ðiểm cuối nối với đường vào khu vực cụm cảng quốc tế Thị Vải – Cái Mép của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo phương án được Bộ Giao thông – vận tải phê duyệt năm 2016, dự án thành phần 1 đoạn Biên Hòa – Tân Thành sẽ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là gần 3.200 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã hoàn thiện báo cáo cuối kỳ để triển khai các bước tiếp theo.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh, dự án thành phần 1 là đoạn Biên Hòa – Tân Thành – cụm cảng quốc tế Thị Vải – Cái Mép, phần lớn đường nằm trên địa phận Đồng Nai (34km), đi qua khá nhiều khu dân cư và khu công nghiệp. Vì vậy, phải xây đủ điểm giao cắt và đường dân sinh để đảm bảo đi lại của người dân. Việc này không để lặp lại như cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, thiếu đường gom dân sinh khiến người dân bức xúc.
* Hầm chui hay cầu vượt?
Ông Từ Nam Thành, Phó giám đốc Sở Giao thông – vận tải, cho biết cuối tháng 3-2017 Sở Giao thông – vận tải đã cùng các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – môi trường, UBND TP.Biên Hòa, UBND huyện Long Thành, PMU 85 và TEDI khảo sát thực tế giữa tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thành phần 1 đi qua địa bàn tỉnh, xác định cần phải xây dựng 31 điểm giao cắt (đoạn qua TP.Biên Hòa có 6 điểm và qua huyện Long Thành 25 điểm). “Do qua nhiều khu dân cư nên phải bố trí khá nhiều điểm giao cắt, tính ra gần 1km lại có 1 điểm. Hệ thống đường gom cũng được tính toán kỹ để người dân thuận tiện đi lại nhất” – ông Thành nói. Tuyến cao tốc qua địa phận tỉnh được bố trí 4 nút giao lớn là nút giao với đường Võ Nguyên Giáp, cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, đường 25C và cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Theo kiến nghị của UBND TP.Biên Hòa, các điểm giao cắt của tuyến cao tốc trên địa bàn thành phố nên bố trí hầm chui thay cho cầu vượt để không làm mất mỹ quan đô thị. Ông Đặng Văn Tiến, kỹ sư thiết kế của TEDI, cho rằng kiến nghị của TP.Biên Hòa khó thực hiện được bởi sát bên đường cao tốc còn một dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, trong khi đó giao cắt với đường sắt là phải xây dựng cầu vượt. Vấn đề này, Sở Giao thông – vận tải cũng đồng quan điểm với TEDI, bởi theo quy hoạch tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu cùng chung một hành lang an toàn giao thông. “Sở cũng yêu cầu TEDI khi thiết kế cầu vượt và đường gom dân sinh ở các đoạn giao cắt phải tính cả đường sắt để sau này không phải điều chỉnh sửa chữa” – ông Từ Nam Thành nói.
Khắc Giới- Báo Đồng Nai