Cơ chế bồi thường của 2 tuyến đường kết nối vào Sân Bay Quốc Tế Long Thành
Bộ Giao thông – vận tải (GTVT) cùng Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất đưa 2 tuyến đường (số 1 và số 2) kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) vào dự án Sân bay Long Thành để chuẩn bị trình Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện bồi thường, giải tỏa cho 2 tuyến đường dẫn vào Sân Bay Long Thành đang được UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị áp dụng cùng một cơ chế tương tự với khung chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng của sân bay nhằm giúp công tác bồi thường được thuận tiện, đảm bảo tiến độ chung.
Vốn sẽ do ACV cấp làm 2 tuyến đường dẫn vào sân bay Long Thành
2 tuyến đường huyết mạch kết nối với dự án sân bay Long Thành bao gồm: tuyến đường số 1 nối từ quốc lộ 51 vào đến Sân bay Long Thành và tuyến số 2 bắt đầu từ đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, kết nối trực tiếp vào tuyến số 1 (song song với quốc lộ 51, trùng với tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu). Đây là 2 tuyến đường khá quan trọng của dự án, cần phải triển khai sớm để có đường vào xây dựng sân bay.
ACV là đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án này với tổng số vốn xây dựng 2 tuyến đường khoảng 4,7 ngàn tỷ đồng. Ông Nguyễn Khắc Phong, Trưởng ban Ban điều hành dự án Sân bay Long Thành cho biết, hiện ACV đã bàn giao tọa độ, ranh mốc cho các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Ông Phong cũng thông tin thêm, nguồn vốn để giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng 2 tuyến đường này sẽ lấy từ vốn của ACV để thực hiện. Như vậy, phần kinh phí để đầu tư 2 tuyến đường không liên quan đến phần vốn của Quốc hội giao cho Đồng Nai thực hiện giải phóng mặt bằng sân bay.
Chuẩn bị thủ tục pháp lý và chờ duyệt báo cáo khả thi dự án Sân Bay Long Thành
Theo Sở GTVT, 2 tuyến đường số 1 và số 2 đã có trong quy hoạch giao thông được phê duyệt, trong đó mặt cắt của 2 tuyến đường này rộng 134m. Về quy hoạch chuyên ngành, Sở GTVT cũng đã triển khai công bố quy hoạch 2 tuyến đường này, hiện UBND huyện Long Thành đang thực hiện việc công bố tại các xã.
Giám đốc Sở GTVT Từ Nam Thành cho biết, Sở đang thực hiện các thủ tục và đấu thầu tư vấn công tác cắm mốc quy hoạch 2 tuyến đường số 1 và số 2, dự kiến trong năm nay sẽ cắm xong mốc quy hoạch 2 tuyến đường. Riêng mốc giải phóng mặt bằng phải đợi đến khi dự án xây dựng sân bay được Chính phủ phê duyệt mới có thể thực hiện.
Nguyên nhân là do theo quy định, khi thực hiện thu hồi đất phải có dự án được duyệt và trên cơ sở đó mới có căn cứ để triển khai. Dự án thực hiện hai tuyến đường số 1 và số 2 hiện chưa có cơ sở để triển khai các thủ tục thu hồi đất vì dự án sân bay vẫn chưa được phê duyệt. Như vậy, vẫn phải chờ khi báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng sân bay được Chính phủ phê duyệt để có đủ cơ sở pháp lý triển khai các bước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Bồi thường tương tự như cơ chế dự án sân bay Long Thành
Để giải phóng mặt bằng cho 2 tuyến đường số 1 và số 2 kết nối với Sân bay Long Thành, diện tích đất dự kiến cần phải thu hồi là 136 hécta. Để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên – môi trường xin cơ chế cho phép thực hiện bồi thường giống với dự án Sân bay Long Thành.
Giải thích vấn đề này, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên – môi trường) cho hay, Đồng Nai đề nghị áp dụng khung chính sách bồi thường cho 2 tuyến đường này tương tự như bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành chứ không phải đưa 2 tuyến đường vào dự án thu hồi đất của sân bay.
Do đó, không làm tăng diện tích cũng như số vốn mà Quốc hội đã phê duyệt. Thực tế, 2 tuyến đường kết nối và dự án Sân bay Long Thành nằm trong cùng một khu vực nên việc đề nghị được áp dụng cùng một khung chính sách sẽ dễ thực hiện hơn.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên – môi trường thì tuyến đường số 1 vào sân bay có thể thực hiện theo cơ chế đền bù như dự án Sân bay Long Thành được, nhưng tuyến số 2 do nằm trùng trên dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu nên có một số vướng mắc. Lý do là vì dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) nên có cơ chế bồi thường riêng. Đây là vấn đề khá phức tạp, do đó cần phải xem xét kỹ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, thời gian qua tỉnh đã phối hợp với ACV để tính toán và tìm ra phương án tốt nhất nhằm thực hiện 2 tuyến đường này mà không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án sân bay.
Thời gian tới, nếu Bộ GTVT và ACV trình Ủy ban Kinh tế Quốc hội xem xét và được chấp thuận phương án chung cho khung chính sách như sân bay thì sẽ dễ thực hiện hơn, nếu không sẽ buộc phải tách thành 2 dự án độc lập.
Tuy nhiên, vì 2 tuyến đường này thực chất là cùng một dự án đường vào sân bay, nên việc khung chính sách bồi thường không giống nhau cũng dễ phát sinh những khó khăn, vướng mắc nhất định trong công tác bồi thường.
Theo Baodongnai