Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành sẽ xây dựng vào năm 2021
Làm việc cùng các bộ ngành và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sáng 09/07/2016. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: chậm nhất năm 2021 phải khởi công dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Theo đúng lộ trình, tháng 4-2021 dự án này mới được khởi công.
Xin cơ chế đặc thù cho dự án
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành đã được Quốc hội cho chủ trương thông qua vào năm 2015.
Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia, được xây dựng theo tiêu chuẩn 4F, theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Là trung tâm trung chuyển hàng hóa, hành khách đường hàng không lớn trong khu vực. Quy mô vận chuyển 100 triệu hành khách/năm (giai đoạn 1 là 50 triệu hành khách/năm). Do đó, các bộ ngành và tỉnh Đồng Nai cần khẩn trương tập trung làm càng sớm càng tốt.
Báo cáo với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ông Trần Văn Vĩnh – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho rằng: dự án sân bay quốc tế Long Thành khi hoàn thành sẽ đem lại lợi ích kinh tế – xã hội to lớn cho không chỉ Đồng Nai mà cả vùng kinh tế phía Nam và cả nước nói chung.
Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng đề án cơ chế đặc thù và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án theo tinh thần của Quốc hội.
Bốn nội dung chính trong đề án gồm: cơ chế đặc thù trong công tác thu hồi đất; cơ chế đặc thù về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế đặc thù về xây dựng hạ tầng tái định cư và cơ chế đặc thù về nguồn vốn.
Cần chú trọng các vấn đề an sinh xã hội
Theo ông Vĩnh, việc triển khai thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của khoảng 4.730 hộ gia đình, cá nhân với gần 15.000 nhân khẩu cùng các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo.
Do đó, xây dựng cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo an sinh cho người dân trong vùng dự án, sớm ổn định và có cuộc sống tốt hơn sau khi di dời về nơi ở mới. Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng hai khu tái định cư, khu nghĩa trang và tiến độ thực hiện công tác bồi thường. Giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư.
Theo ông Nguyễn Cao Lục – phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm cấp quốc gia đã từng có tiền lệ chứ không riêng Đồng Nai. Tuy nhiên, ông Lục cũng lưu ý thêm: trong một số nội dung mà UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị cần phải đề xuất nguồn vốn cụ thể hơn để tính toán.
Tương tự, đại diện Bộ Tài nguyên – môi trường cũng đồng tình với các phương án thu hồi đất một lần và cho phép làm trước để kịp tiến độ của tỉnh Đồng Nai. Việc thu hồi một lần giá đất sẽ đồng giá, không bị biến động. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng lưu ý khi thu hồi đất ồ ạt có thể gây lãng phí tài nguyên khi dự án chưa thực thi.
Phải lấy ý kiến cộng đồng
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành đã góp ý về những kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai. Ông Lê Mạnh Hùng – tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – cho rằng: theo thiết kế, sân bay Tân Sơn Nhất quy mô đón nhận khách chỉ 25 triệu lượt khách/năm. Do đó, dù có sửa chữa, mở rộng tối đa thì Tân Sơn Nhất cũng chỉ có khả năng đón nhận 40 triệu lượt khách/năm.
Trong khi đó vào cuối năm nay, lượng khách ước tính trên 30 triệu lượt và với tốc độ phát triển như hiện nay, vào năm 2018 lượng khách có thể đạt 40 triệu lượt khách/năm. Khả năng quá tải là hiện hữu nên nhu cầu cấp thiết phải sớm khởi công dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Cũng theo ông Hùng, sau khi tổ chức sơ tuyển, hiện đơn vị đã nhận được 14 bộ hồ sơ dự tuyển thi thiết kế bản vẽ kiến trúc sân bay quốc tế Long Thành, ngày 18-8 sẽ tổ chức lựa chọn bản vẽ. Do công trình đặc thù, chuyên môn sâu nên ông Hùng đề xuất không lấy ý kiến cộng đồng để rút ngắn thời gian.
Không thể để chậm trễ
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu phải tham vấn ý người dân vì đây là công trình mang tính chất quan trọng của quốc gia. Do đó, “cần trưng bày các thiết kế này lên mạng để người dân cùng lựa chọn. Công bố ngay luôn đi – ông giục – rồi tập hợp lại sau”.
Đánh giá về tâm lý người dân với dự án, ông Nguyễn Cao Lục nói: “Người dân trong khu vực cho biết đã sẵn sàng từ 10 năm nay rồi. Do đó không thể trì hoãn thêm được nữa”.
Đối với những kiến nghị của Đồng Nai, Phó thủ tướng cho rằng đây là nhu cầu thiết thực của địa phương với mong muốn dự án sớm được thực hiện. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, Phó thủ tướng yêu cầu Đồng Nai có đề xuất bằng văn bản cụ thể gửi Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trình Chính phủ phê duyệt.
Theo chỉ thị, việc bàn giao mặt bằng Sân Bay Long Thành phải được hoàn tất vào quý 3/2020 để chuẩn bị các bước cho việc khởi công xây dựng vào quý 2/2021.
Phó thủ tướng cho rằng: “Nếu thực hiện được theo cơ chế đặc thù mà Đồng Nai kiến nghị thì chúng ta sẽ sớm triển khai được dự án sân bay quốc tế Long Thành. Tối đa năm 2021 Sân Bay Quốc Tế Long Thành phải được khởi công, tạo dấu ấn lớn cho hạ tầng giao thông nên mọi công việc phải được làm càng nhanh càng tốt”.
Tin FBNC: Chậm nhất 2019, phải khởi công xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.
3 giai đoạn xây dựng sân bay quốc tế Long Thành
Theo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua, tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014).
Trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật. Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo Tuổi trẻ Online.
Đọc thêm: » 9 mẫu thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành «
[…] Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khởi công vào tháng 5/2021. […]