Bụi đỏ từ việc xây dụng sân bay Long Thành phát tán 10 km – nồng độ bụi gấp 18 lần quy chuẩn cho phép
Lượng bụi khổng lồ từ công trường sân bay quốc tế Long Thành phát tán mỗi ngày, thậm chí hàng giờ gây đảo lộn đời sống hàng nghìn hộ dân quanh vùng dự án.
Ngày 30-3, bụi đỏ từ công trường xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai) tiếp tục tràn ra ngoài “tấn công” các khu dân cư. Các chuyên gia nhận định với điều kiện thời tiết như hiện nay, bụi đỏ này có khả năng lan rộng ra các địa phương lân cận.
Lượng bụi “khổng lồ” từ công trình sân bay Long Thành đã làm đảo lộn cuộc sống người dân bán kính 10km
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang trong quá trình thi công giai đoạn 1, gồm một đường cất/hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, lượng bụi khổng lồ từ đại công trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân và gây đảo lộn đời sống của toàn bộ khu vực bán kính hơn 10 km xã Bình Sơn (Đồng Nai).
Mỗi ngày, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt phương tiện ra vào vận chuyển máy móc, vật liệu phục vụ hạng mục đào đắp, san lấp nền trên công trường. Mỗi khi đoàn xe này rầm rập nối đuôi nhau, lớp bụi lại được xới tung lên mù mịt.
Bụi đỏ từ đại công trường này nếu không có giải pháp khắc chế, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe nhiều người.
Người dân phải dùng màn nhựa bọc quanh nhà để chống bụi đỏ
Ngày 30-3, chạy dọc các con đường vào khu dân cư hiện hữu tại xã Bình Sơn (nơi có dự án sân bay Long Thành), một màu đỏ quạch gần như bao trùm toàn bộ nơi này.
Nhà cửa, bàn ghế, vỉa hè, cây cối… như được nhuộm màu. Hầu hết các căn nhà đều đóng kín cửa, tường rào được gia cố thêm các tấm bạt, lưới, tôn, ni lông để ngăn chặn bụi vào nhà.
Chị Đặng Thị Lan Phương (người dân ấp 1, xã Bình Sơn) cho hay: “Học sinh đi học về quần áo đỏ lè đỏ lét hết. Con nít bệnh ho kéo dài triền miên, hơi bụi hít vô không thở được, thành ra bị bệnh rất nhiều”.
Để phòng ngừa bệnh cho mẹ đã lớn tuổi và giữ nhà cửa sạch sẽ, vợ chồng chị Phương bỏ ra gần 5 triệu đồng đặt mua màn nhựa, thanh sắt. Sau đó, chồng chị mất thêm một tuần để bọc kín quanh nhà. Nhờ vậy, căn nhà được ngăn cách khỏi màn sương bụi đỏ bên ngoài.
Ngoài việc dùng bọc ni lông che chắn kín các khung cửa, ông Nguyễn Hữu Linh (ngụ ấp 10, xã Bình Sơn) phải sắm thêm một máy bơm công suất lớn để xịt rửa bụi quanh nhà, chuồng trại. Song, ông Linh thừa nhận bụi quá nhiều, chỉ hạn chế được phần nào chứ không thể ngăn chặn toàn bộ.
Ông nói: “Tối tôi nằm ngủ trong nhà nhưng sáng dậy mũi đã vón bụi. Bên ngoài thì sờ đâu cũng bụi bặm, quần áo mới mặc một lúc là lem luốc. Quanh đây ai cũng vậy”.
Lãnh đạo tỉnh đã thông tin nhưng chưa có giải pháp
Một lãnh đạo UBND huyện Long Thành cho hay đang thống kê số hộ bị bụi đỏ tấn công để báo cho đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi có kết luận về việc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Trước đó, cơ quan chức năng ghi nhận tại công trường có bụi đỏ phát sinh từ hoạt động đào đất, vận chuyển tại khu vực thi công dự án, nhà dân ở gần.
Ông Võ Tấn Đức, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết việc thi công hàng ngàn héc ta ở dự án sân bay nhưng đơn vị thi công chưa có giải pháp khắc phục.
Bụi đỏ ở công trường dự án đã bị gió, lốc xoáy kéo đi hàng chục cây số, tràn sang cả huyện Nhơn Trạch và TP Biên Hòa. Tỉnh cũng đã đề nghị ACV có giải pháp khắc phục và chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận theo thẩm quyền.
Ô nhiễm bụi tại khu vực thi công dự án sân bay Long Thành phát tán vượt xa khuôn viên dự án hàng km, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân xung quanh.
Cách công trường sân bay Long Thành hơn 7 km, người dân khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn vẫn có thể quan sát rõ những cột ‘khói’ đỏ mù mịt. “Nếu không mở cửa thì bí bách, nhưng mở thì phải lau dọn đồ đạc từ sáng đến chiều”, bà Trần Định Phương Oanh, hộ kinh doanh hàng tạp hóa khu tái định cư, cho biết.
Trước đó, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều đợt quan trắc không khí định kỳ tại khu vực triển khai dự án. Kết quả quan trắc phát hiện ô nhiễm bụi khu vực này vượt quy chuẩn 1-18 lần. Một năm từ khi kết luận được đưa ra, chất lượng không khí vẫn không cải thiện.
Bụi đỏ lan rộng, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe
Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhận định trên địa bàn hiện nay là gió hướng đông bắc. Tức gió thổi từ phía tỉnh Đồng Nai về đến một số quận, huyện phía đông TP Thủ Đức (TP.HCM). Do đó TP.HCM có thể ảnh hưởng nhẹ bởi bụi đỏ từ công trường này phát tán ra.
Với khoảng cách từ sân bay Long Thành về tới TP.HCM khoảng vài chục cây số thì nồng độ bụi khi đến TP không còn đậm đặc như ở các khu vực gần sân bay Long Thành. “Tuy nhiên, bụi sẽ còn gia tăng trong thời gian tới đây, vì mùa khô sẽ còn kéo dài ít nhất từ đây cho đến hết tháng 4”, bà Lan cảnh báo.
PGS Trần Văn Ngọc, phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, cho biết bụi đỏ có thành phần chính là bụi đất. Khi hít phải bụi đất, hệ thống thanh lọc của phổi, phế quản sẽ đào thải.
Tuy nhiên, nếu tiếp xúc thường xuyên từ ngày này qua ngày khác sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Cụ thể, bụi đỏ sẽ gây ra tổn thương niêm mạc đường hô hấp, khi không đào thải được hết bụi đỏ sẽ dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng phổi có thể dẫn đến xơ hóa phổi.
Theo bác sĩ Ngọc, về giải pháp ngăn chặn trước mắt đối với người dân sống gần sân bay Long Thành nên đeo khẩu trang để hạn chế sự xâm nhập lượng bụi đỏ vào đường hô hấp. Trường hợp trong nhà, do đây là những hạt bụi tương đối lớn người dân nên sử dụng các màn che, đóng cửa lại, sử dụng quạt hút bụi để tống lượng bụi ra ngoài.
“Quan trọng nhất về lâu dài cần loại bỏ nguyên nhân gây bụi ra môi trường, phía công trình sân bay phải sử dụng các biện pháp ngăn chặn lượng bụi phát tán ra môi trường”, bác sĩ Ngọc nói.
Theo báo Tuổi Trẻ Online.
ACV lý giải ô nhiễm bụi ở Long Thành: ‘Không thể nào làm mà không bụi’
Phó tổng giám đốc ACV khẳng định đã lường trước hàm lượng bụi khi thi công sân bay Long Thành, song, áp lực tiến độ khiến chủ đầu tư không còn cách nào khác.
Thời gian dài, lượng bụi khổng lồ phát tán từ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gây đảo lộn đời sống của hàng chục nghìn hộ dân nơi đây.
Trong quá trình thi công giai đoạn 1 siêu dự án, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV – chủ đầu tư) liên tục nhận nhiều cảnh báo của cơ quan môi trường từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm bụi hiện chưa cải thiện mà thậm chí còn trầm trọng hơn.
ACV thực hiện chưa đủ
Tình trạng ô nhiễm không khí do bụi phát tán ngay từ những ngày đầu chuẩn bị thi công đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Đồng Nai nhiều lần cảnh báo chủ đầu tư ACV.
Sở TNMT địa phương đã thực hiện nhiều đợt quan trắc không khí định kỳ tại khu vực triển khai dự án trong quá trình công trường trình thi công. Kết quả quan trắc phát hiện ô nhiễm bụi khu vực này vượt mức cho phép 18 lần.
Trao đổi với Zing, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT) tỉnh Đồng Nai (Sở TNMT tỉnh Đồng Nai) cho biết thông qua dữ liệu chất lượng không khí môi trường từ năm 2020 – thời điểm công trình chuẩn bị khởi công, đơn vị đã bố trí mạng lưới quan trắc tương đối dày tại khu vực.
Đã có nhiều lần văn bản đề nghị ACV khắc phục lượng bụi đỏ
Từ kết quả đánh giá quan trắc, cơ quan đã nhận thấy lượng bụi tăng lên và có ít nhất 4 lần văn bản yêu cầu ACV phải kiểm soát được nồng độ bụi phát sinh, không để phát tán ra môi trường xung quanh.
“Sau đó Sở TNMT thấy hàm lượng bụi ngày càng cao, đặc biệt là đầu năm 2022 và đầu năm 2023, Sở TNMT đã có văn bản gửi cho Bộ TNMT để tổ chức đoàn kiểm tra”, đại diện Chi cục BVMT nói.
Quá trình kiểm tra thực địa hồi tháng 3 của đoàn kiểm tra gồm Bộ TNMT, Thanh tra Bộ, Công an, Sở TNMT, UBND huyện Long Thành, trong biên bản làm việc xác định dự án Cảng hàng không thi công phát sinh bụi là có cơ sở.
Bụi không dừng lại bán kính 5 km, có thời điểm phát tán lên bán kính 15 km.
Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TNMT tỉnh Đồng Nai)
Đại diện Chi cục BVMT cho biết dựa theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, ACV đã thực hiện chưa đầy đủ.
“Theo quy định, họ phải kiểm soát được bụi tốt, kiểm soát được phương tiện vận chuyển, giảm tốc độ, che chắn kỹ, tưới đường theo ĐTM (đánh giá tác động môi trường thì họ thực hiện không đầy đủ”, vị đại diện Chi cục BVMT nói.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn này, hàm lượng bụi từ dự án sân bay Long Thành hiện không chỉ dừng lại bán kính 5 km xung quanh công trường. Có những thời điểm, bụi phát tán lên đến bán kính 15 km.
Hiện nay đoàn kiểm tra của Bộ TNMT đã kiểm tra, lập biên bản và chuẩn bị báo cáo cho Bộ trưởng. “ACV cũng thừa nhận bụi do họ. Trong nội dung biên bản yêu cầu ACV cam kết thực hiện những gì cũng được đưa ra chi tiết”, vị này nói.
Hiện, huyện Long Thành rà soát, cung cấp số hộ bị ảnh hưởng vì bụi đỏ từ dự án sân bay Long Thành để cung cấp cho đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài xem xét xử lý vi phạm của ACV, tùy theo mức độ, Bộ TNMT sẽ kết luận ACV phải bồi thường thiệt hại, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Phương án tăng cường xe tưới nước để khắc phục
Trả lời Zing về nguyên nhân không kiểm soát hàm lượng bụi, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết việc phát sinh bụi trong quá trình thi công đã được chủ đầu tư lường trước.
“Tuy nhiên, các tính toán vào thời điểm đó được đưa ra theo tiến độ thi công 30 tháng. Song, việc Chính phủ yêu cầu rút ngắn tiến độ thi công còn 15 tháng, tính chất dự án phải triển khai đồng bộ, chúng tôi đã tăng cường xe máy thiết bị bốc toàn bộ lớp phủ của 2.000 ha khiến lớp rễ, cây cỏ không còn”, ông Bình giải thích.
ACV sẽ tăng cường xe cứu hỏa của sân bay để tăng tần suất và hiệu quả tưới nước.
Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV
Lãnh đạo ACV cho hay cũng đã yêu cầu các đơn vị thi công có các biện pháp như tưới nước, che đậy khi vận chuyển,… nhằm hạn chế bụi gây ảnh hưởng đến xung quanh. Tuy nhiên, với công trình thi công san lấp nền, bóc tách toàn bộ lớp thảm thực vật nên bụi bị xới tung là khó tránh khỏi.
“Thêm nữa, 2.000 đầu xe máy móc chạy liên tục rầm rập mỗi ngày cũng khiến bụi bị cuốn xoáy lên. Chúng tôi huy động 50 xe tưới nước, tưới ngày đêm nhưng không thấm vào đâu so với diện tích và thực trạng như thế”, ông Đỗ Tất Bình cho biết.
Thi công công trình lớn thì bụi là tất yếu – Vậy sức khỏe của hàng ngàn hộ dân thì sao?
Cũng theo ông Đỗ Tất Bình, cách khắc phục duy nhất hiện nay của chủ đầu tư là tăng cường xe tưới nước. Đặc biệt, ACV sẽ tăng cường xe cứu hỏa của sân bay để tăng tần suất và hiệu quả tưới nước trên phạm vi dự án.
Trong bối cảnh đời sống sinh hoạt, sức khỏe của hàng nghìn con người tại xã Bình Sơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì bụi phát tán, ông Bình cho biết chủ đầu tư đang yêu cầu các nhà thầu thúc đẩy tiến độ từ nay đến tháng 5 – vào mùa mưa để hoàn tất công tác san nền.
“Bây giờ không thể nào làm mà không bụi, và nếu để không bụi thì chỉ có thể giảm thiểu tốc độ thi công. Đây là tiến độ cả một dự án. Mong người dân chia sẻ với chúng tôi, vì áp lực tiến độ chúng tôi đã cố gắng nhưng không có cách nào khác“, lãnh đạo ACV nói.
Khó chấp nhận khi để ô nhiễm bụi ở Long Thành vượt tới 18 lần
Nói về tình trạng ô nhiễm bụi khi xây dựng sân bay Long Thành, chuyên gia cho rằng khó chấp nhận khi chủ đầu tư chỉ quan tâm đến tiến độ dự án mà bỏ qua yêu cầu bảo vệ môi trường.
Nồng độ bụi vượt 18 lần cho phép là quá nghiêm trọng
Trao đổi với Zing, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhận định bụi đỏ từ công trình xây dựng sân bay Long Thành bao gồm hai thành phần là bụi thô và bụi mịn, sinh ra từ việc đào bới, san lấp và xe cộ đi lại trên công trường.
Chuyên gia cho biết bụi thô có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường với biểu hiện là các mái nhà, vật dụng của nhà dân bị phủ đỏ, trong khi bụi mịn được biểu hiện bằng những cột bụi bốc lên mù mịt trong công trường.
Đáng lưu ý, đặc tính của bụi là lan truyền theo đường gió. Vì vậy, cùng với bụi thô, bụi mịn cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Không chỉ gây ra những bất tiện về sinh hoạt, các nghiên cứu cho thấy bụi mịn có thể đi sâu vào cuống họng, mạch máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công
Ở góc độ khác, GS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, cho rằng xây dựng sân bay Long Thành là chủ trương lớn và cần thiết.
Do đó, khi lập dự án, các đơn vị liên quan chắc chắn phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chỉ rõ khả năng tác động, vùng chịu tác động từ việc thi công, xây dựng và các giải pháp giảm thiểu những ảnh hưởng này.
Vì vậy, chuyên gia cho rằng các đơn vị cần xem xét lại báo cáo ĐTM để biết chủ đầu tư dự án có thực hiện đúng những cam kết đã nêu hay không?
Đồng thời, nếu báo cáo không nêu được những cam kết của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện, đơn vị chức năng có thể kiến nghị thực hiện lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong trường hợp cần phải dừng dự án.
Theo GS Cơ, trường hợp báo cáo ĐTM đã nêu rõ biện pháp nhưng quá trình xây dựng không thực hiện, trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị thi công. Với trường hợp này, các cơ quan chức năng có thể yêu cầu chủ đầu tư thực hiện giải pháp giảm thiểu tác động môi trường dưới sự giám sát của cộng đồng.
Thi công công trình phát triển Quốc gia – nhưng sức khỏe người dân bị ảnh hưởng thì ai chịu trách nhiệm?
“Trong một số trường hợp, chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án phải có trách nhiệm với những người chịu tác động, giúp họ nguồn lực như kinh phí, thiết bị để khắc phục hậu quả do ô nhiễm gây ra từ việc thi công công trình”, GS Hoàng Xuân Cơ nói.
Nói thêm về báo cáo đánh giá tác động môi trường, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng các yếu tố gây ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án đều đã được tính toán bằng mô hình. Trong đó, các đơn vị sẽ đánh giá với diện tích, khối lượng thi công như vậy có thể phát sinh những vấn đề gì và cần biện pháp gì để giảm thiểu.
Theo đó, sau khi Bộ TNMT đã thẩm định báo cáo trên, trách nhiệm còn lại thuộc về đơn vị thi công. Với trường hợp đơn vị đã thực hiện hết các khuyến cáo mà không ngăn được tình trạng ô nhiễm, dự án sẽ buộc phải dừng thi công để các đơn vị báo cáo, tìm cách giải quyết.
“Trong trường hợp này, nếu đã tưới đủ nước theo khuyến cáo, làm đủ các biện pháp theo yêu cầu mà vẫn ô nhiễm, đơn vị thi công và chủ đầu tư phải có báo cáo cụ thể để cơ quan chức năng đưa ra thêm giải pháp, điều chỉnh kế hoạch thi công. Sau khi có thêm ý kiến chuyên môn thì mới được phép làm tiếp”, chuyên gia nhận định.
Về giải pháp ngăn bụi từ những đại công trường xây dựng như sân bay Long Thành, TS Hoàng Dương Tùng cho biết thông thường, cơ quan chức năng sẽ khuyến cáo đơn vị thi công tưới nước thường xuyên để làm ẩm đất, ngăn bụi bốc lên và khuếch tán.
Đây là giải pháp quan trọng, có nhiều nơi còn lắp đặt hệ thống tưới nước trong công trường nếu phải thi công trong thời gian dài.
Ngoài ra, chuyên gia nhìn nhận đơn vị thi công chắc chắn đã có kinh nghiệm khi xây dựng nhiều dự án khác, do đó khó có thể nói rằng họ không biết những biện pháp để đảm bảo chất lượng môi trường xung quanh.
“Đơn vị thi công chắc chắn có kinh nghiệm và biện pháp, chỉ là có thể đã không thực hiện đủ nghiêm chỉnh. Còn khi thực hiện nghiêm, thì dù tốn kém, họ vẫn phải chấp nhận để bảo vệ được sức khỏe và cuộc sống người dân xung quanh công trường”, theo Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam.
Theo tổng hợp
Báo Zingnews.
Đánh đổi?
Liệu đây có phải sự đánh đổi – việc xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành là một việc mang tính cấp bách và hệ trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước giai đoạn 2025 – 2050. Nhưng trong quá trình xây dựng, liệu chúng ta đã thực sự có trách nhiệm với chính đất nước chưa? Cụ thể đó chính là yếu tố con người, sức khỏe của hàng ngàn hộ dân ở xung quanh đây ai sẽ đảm bảo?
Giá đất Long Thành thì người bảo sẽ tăng dài dài, ai nấy đều sẽ là “đại gia nhà đất”, “đại gia Bất động sản” tương lai, nhưng liệu có sống nổi qua những ngày này để bán đất lấy tiền hưởng thụ hay không thì chưa biết trước được. Bụi vào phổi thì lấy tiền mà đi rửa sạch, có khi không thể rửa sạch được.