Bình Dương đề ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành đô thị thông minh, có hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, có môi trường và chất lượng sống tốt, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
Bình Dương định hướng nhân rộng công viên, cây xanh
Trong những năm qua, Bình Dương đã chú trọng phát triển cây xanh, tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường, góp phần xây dựng đô thị xanh – sạch – đẹp, văn minh, hiện đại.
Thay đổi cảnh quan đô thị
Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, hấp thụ các chất thải độc hại, diệt vi khuẩn, giảm tiếng ồn, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cây xanh với đặc điểm tự nhiên, cùng các công trình kiến trúc khác tạo nên những sắc thái văn hóa đặc trưng, góp phần làm tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị, làm phong phú cuộc sống văn hóa tinh thần của cư dân.
Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cơ sở hạ tầng của tỉnh đã từng bước được nâng cấp, mở rộng. Hàng loạt khu dân cư, khu đô thị mới, đường giao thông, các công trình phúc lợi đã và đang hình thành làm thay đổi diện mạo hạ tầng kỹ thuật của tỉnh, trong đó có cây xanh. Nhiều tuyến đường trục chính đô thị, đường liên khu vực được đầu tư đồng bộ kết hợp trồng mới hoặc thay thế cây xanh. Các công trình chỉnh trang đô thị luôn gắn với cải tạo chỉnh trang cây xanh.
Tại TP.Thủ Dầu Một, trên các tuyến đường phố chính như đường 30-4, Thích Quảng Đức hai bên đường là những hàng cây sao sum suê cành lá tỏa bóng mát; trên tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ, Lê Thị Trung là những cây bằng lăng tím; đường Yersin, Huỳnh Văn Lũy, Phạm Ngọc Thạch, Hùng Vương được trồng những hàng dầu vươn cao vững chắc… Tất cả các loại cây được trồng trên mỗi tuyến đường đã tạo không gian xanh, cảnh quan, mỹ quan đô thị, đồng thời trở thành nét đặc trưng của TP.Thủ Dầu Một.
Tối đa mảng xanh, công viên cho nhiều khu vực
Để đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, nâng cao chất lượng môi trường sống, cảnh quan đô thị, xây dựng thành phố “xanh – sạch, đẹp – an toàn”, TP.Thủ Dầu Một đã tập trung thực hiện phát triển mảng xanh đô thị, tăng không gian công cộng phục vụ cộng đồng.
Thành phố đã xây dựng các tiêu chí “thành phố xanh”, “thành phố công viên”, “tuyến hẻm văn minh đô thị”, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025 thành phố có 120 công viên, hoa viên, có ít nhất 9 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Thời gian qua, thành phố đã tận dụng tối đa các quỹ đất công, các trụ sở cơ quan hành chính dôi dư sau khi được tỉnh và thành phố sắp xếp bố trí lại để đầu tư xây dựng công viên, hoa viên, mảng xanh đô thị kết hợp với mở rộng không gian xanh sinh hoạt cộng đồng của các khu phố.
Đến nay, thành phố đã có 132 công viên, hoa viên, trong đó vốn ngân sách thành phố đầu tư 115 công viên, hoa viên, vận động xã hội hóa đầu tư 17 công viên, hoa viên. Bên cạnh đó đất công viên, cây xanh trong Khu liên hợp dịch vụ, đô thị Bình Dương là 142,61 ha.
Tỷ lệ đất cây xanh đô thị của thành phố đạt 14,62m2/ người (chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 15m2/người), tỷ lệ đất cây xanh công cộng đạt 5,7m2/ người (chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 6m²/người). Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã hoàn thành trồng mới, thay thế cây xanh trên 3 tuyến bờ kè rạch và 15 tuyến đường trên địa bàn với 2.899 cây, kinh phí gần 13 tỷ đồng, phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC triển khai trồng thêm 600 cây xanh trên đại lộ Bình Dương.
Xanh từ đô thị đến khu công nghiệp
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ gia tăng dân số ngày càng cao, dẫn đến tốc độ đô thị hóa của tỉnh cao, trong khi đó việc đầu tư xây dựng mới công viên, cây xanh có quy mô lớn trong những năm qua vẫn còn hạn chế. Cây xanh công viên và đường phố chủ yếu tập trung tại các khu vực trung tâm của TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Tân Uyên, TX.Bến Cát và trung tâm hành chính, những tuyến đường chính ở các huyện.
Tính đến nay, tổng diện tích hiện trạng công viên, vườn hoa theo báo cáo 9 huyện, thị, thành phố có tổng diện tích 459,775 ha. Cây xanh tại các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, khu tái định cư, khu dân cư, khu chung cư khi triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đều được các chủ đầu tư tiến hành đồng bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít các dự án chưa triển khai đầu tư hạng mục cây xanh.
Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất 11.138 ha (không bao gồm KCN Cây Trường chưa phê duyệt quy hoạch). Theo các quy hoạch chi tiết, quy hoạch điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ được phê duyệt tổng diện tích đất cây xanh được thống kê sơ bộ là 1.003 ha. Trong đó diện tích cây xanh đã đầu tư khoảng 678 ha, một số KCN chưa có số liệu báo cáo hiện trạng đầu tư cây xanh.
Trên địa bàn tỉnh còn có 10 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất 551,7 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cây xanh tập trung khoảng 16,5 ha, đất cây xanh với chức năng cách ly là khoảng 4,49 ha. Cùng với đó, toàn tỉnh có 6 khu di tích cấp quốc gia, 10 khu di tích cấp tỉnh đều đã được đầu tư cây xanh do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch quản lý.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tính, cần huy động các nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư, duy trì công viên cây xanh theo quy hoạch. Phát triển cây xanh sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.
Xây dựng hệ sinh thái bền vững
Bình Dương đang chú trọng xây dựng đô thị xanh, phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.
Từ đô thị xanh…
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết vừa qua sở đã xây dựng dự thảo Đề án cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án cây xanh sẽ là cơ sở để các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đạt theo các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể.
Từ đó, phân bổ nguồn lực, bố trí vốn trung hạn, dài hạn, huy động nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện hiệu quả việc quy hoạch, đầu tư và phát triển cây xanh trong thời gian tới. Thực hiện đề án sẽ góp phần rất lớn trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng một đô thị xanh, bền vững.
Cùng với đó, phát huy hiệu quả của các công viên cây xanh đô thị, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tái tạo sức lao động của người dân. Thực hiện đề án phát triển cây xanh hiệu quả sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Bình Dương quản lý quá trình đô thị theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, có môi trường sống lành mạnh, thân thiện và có bản sắc, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Các đô thị theo phân loại và phân cấp quản lý giữ vai trò chủ động trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến năm 2030, Bình Dương trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo.
Đến khu công nghiệp sinh thái
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu “Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”.
Để cải tạo hành lang sinh thái, xây dựng hệ thống môi trường bền vững, Bình Dương đang triển khai mô hình “3 nhà” trong xây dựng thành phố thông minh, xây dựng vùng khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, đồng thời thực hiện quy hoạch TOD (Transit Oriented Development) và chuyển đổi mô hình phát triển.
Có thể khẳng định, Đề án Thành phố thông minh đã thể hiện quyết tâm của Bình Dương trong việc tìm kiếm động lực phát triển mới cho nền kinh tế – xã hội, phát triển hệ sinh thái xanh, bền vững. Trong đó, Bình Dương xác định phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển tỉnh nhà.
Hiện tỉnh đang định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) truyền thống sang mô hình KCN thông minh – sinh thái. Trong đó, tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch; dành tối thiểu 25% diện tích KCN cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung; có giải pháp bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động…
Để xây dựng phát triển KCN thế hệ mới, tạo dư địa thiên nhiên cho phát triển, bảo đảm tăng trưởng xanh, Bình Dương thực hiện cải tạo, chỉnh trang các khu, cụm công nghiệp cũ, di dời các doanh nghiệp thâm dụng lao động tại khu vực TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Tân Uyên lên phía bắc của tỉnh. Đồng thời, tái phát triển các khu vực đất công nghiệp hiện hữu sang các chức năng dịch vụ đô thị, dịch vụ công cộng và phục vụ chuyển đổi xanh.
Bình Dương tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao. Song song đó, thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
Trên tinh thần đó, Bình Dương luôn chú trọng công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững và đóng góp vào thúc đẩy phát triển các KCN đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương xác định thực hiện cải thiện kết cấu và hình thái không gian đô thị khu vực phía nam, dịch chuyển công năng các khu sản xuất công nghiệp lên vùng lõi mới phía bắc, gắn với tái cơ cấu để trở thành các khu, cụm công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn và KCN khoa học – công nghệ, để lại không gian phía nam cho phát triển đô thị, dịch vụ và thương mại.
Từ đó, Bình Dương sẽ tận dụng tốt lợi thế của hệ thống giao thông kết nối vùng, hình thành hệ thống vành đai công nghiệp mới gắn với phát triển hệ thống logistics hiện đại.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Đứng trước những yêu cầu mới ngày càng khắt khe của thị trường, để tìm kiếm động lực vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, Bình Dương đã và đang tái định hình mô hình phát triển bằng các định hướng lớn như chuyển đổi mô hình từ công nghiệp – đô thị – dịch vụ sang công nghiệp – đô thị – dịch vụ thông minh, bao gồm việc nâng cấp các KCN hiện hữu cũng như xây mới các KCN xanh, thông minh với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0. Bà Nah Yoon Shin, chuyên gia lĩnh vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới: Sự phát triển của KCN sinh thái ở Bình Dương được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm làm giàu tri thức, thu hút FDI và tiết kiệm chi phí. Bằng cách thiết lập KCN sinh thái được quốc tế công nhận, Bình Dương không chỉ thu được những hiểu biết có giá trị và giám sát hiệu suất mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư FDI hàng đầu.
|
Theo Phương Lê
Báo Bình Dương