Tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ chuẩn bị có thêm thành phố thứ 3, là thị xã sở hữu cảng biển sâu nhất Việt Nam, quy mô hoạt động top 7 thế giới.
Hoàn thành Đề án thành lập Thành phố Phú Mỹ
Mới đây Phòng Quản lý đô thị UBND Thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, việc xây dựng dự thảo Đề án thành lập Thành phố Phú Mỹ và các phường thuộc TP Phú Mỹ đến nay đã hoàn thành 19/19 hạng mục.
UBND thị xã cũng hoàn thiện hồ sơ phân loại đô thị song song với thời gian xây dựng dự thảo đề án; đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ kèm theo làm cơ sở pháp lý trình các cấp phê duyệt đề án như: Chương trình phát triển đô thị Phú Mỹ; lập quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) các xã dự kiến thành lập phường…
Theo đề án, thành phố mới sẽ được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc TX.Phú Mỹ. Phương án thành lập các phường thuộc TP Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gồm: thành lập phường Tóc Tiên trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 6 ấp của xã Tóc Tiên.
Thành lập phường Tân Hòa trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 4 thôn của xã Tân Hòa. Thành lập phường Tân Hải trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 5 thôn của xã Tân Hải và thành lập TP Phú Mỹ trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc của TX. Phú Mỹ.
Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông báo, có 120.501 cử tri tán thành chủ trương thành lập thành phố Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đạt tỷ lệ 99,56% so với tổng số cử tri (121.037 người) và đạt tỷ lệ 99,89% so với tổng số cử tri được lấy ý kiến (120.632 người).
Với diện tích khoảng 334 ha, thị xã Phú Mỹ nằm dọc theo quốc lộ 51, cách TP.HCM khoảng 60 km, cách TP. Vũng Tàu khoảng 40 km và TP. Bà Rịa khoảng 20 km. Từ thị xã đến sân bay quốc tế Long Thành (đang xây dựng tại huyện Long Thành, Đồng Nai) trong vòng 30 phút.
Theo quy hoạch đến năm 2025, thị xã Phú Mỹ trở thành đô thị cảng biển, là trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển, thương mại, dịch vụ logistics và đầu mối giao thông cảng quan trọng.
Thị xã Phú Mỹ đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng thu ngân sách năm 2022 là 30.625 tỷ đồng. Trong danh sách 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, Phú Mỹ dù là một thị xã nhưng có số thu chỉ thấp hơn 12 tỉnh dẫn đầu. Thu ngân sách của thị xã Phú Mỹ gần tương đương với tổng số thu của 11 tỉnh xếp cuối bảng.
Thành phố Phú Mỹ tương lai có gì?
Hiện tại, Thị xã Phú Mỹ đang có nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là công trình cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Trong tương tai, Phú Mỹ sẽ là thành phố cảng đầu tiên của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải tầm cỡ thế giới
Trong tháng 6/2024, cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải được Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) và S&P Global Market Intelligence xếp thứ 7 thế giới về chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – chỉ số hoạt động cảng container).
Vị trí này trên cả Yokohama Nhật Bản (thứ 9), Hồng Kông (thứ 15), và Singapore (đứng 17). Năm ngoái, Cái Mép – Thị Vải đứng thứ 12. Như vậy, cụm cảng này đã nhảy lên 5 bậc trong vòng một năm.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang từng bước hiện thực hóa quyết tâm phát triển và hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Tọa lạc tại thị xã Phú Mỹ, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải nằm dọc bờ sông Thị Vải và chỉ cách TP.HCM trong vòng chưa đầy 2 giờ theo đường bộ — khoảng 60km. Cụm cảng có quy mô 934,4 ha và quỹ đất dự trữ khoảng 201 ha, chiều rộng bến cảng 600m, độ sâu mặt nước từ 14-16m. Hiện nay, 21 cảng trong cụm cảng này đều có thể đón tàu có trọng tải 200.000 tấn.
Cái Mép – Thị Vải thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, khối lượng hàng hóa và số lượng tàu vào cảng tăng nhanh, trong đó tàu có trọng tải trên 50.000 tấn chiếm 90%, hàng năm đóng góp cho ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu.
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ
Cảng Cái Mép – Thị Vải là cảng biển có nhiều lợi thế khai thác với những con số ấn tượng, tọa lạc ở vị trí được xem như là thuận lợi nhất ở Đông Nam Á và có sức chứa lớn nhưng cụm cảng này vẫn chưa thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế hàng đầu, chưa thu hút được các hãng các tàu lớn vì thiếu hệ sinh thái logistics. Vì vậy, Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ ra đời.
Với tổng mức đầu tư lên đến 6,7 tỷ USD cùng với quy mô diện tích hơn 2.200ha, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành xây dựng.
Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ nằm tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ với 2 phân khu chính là Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu. Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 vào tháng 9/2020, điều chỉnh cục bộ vào tháng 4/2022.
Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng và kỹ thuật biển (Portcoast) đề xuất, trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích 891,17ha; giai đoạn 2 từ sau năm 2025 đầu tư xây dựng bến cảng Cái Mép Hạ Hạ lưu với diện tích 594,33ha.
Trung tâm này khi được hoàn thiện sẽ giúp giải quyết bài toán tối ưu hóa chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ tất cả các đầu mối giao thông, từ đường bộ, đường biển, đường sắt cho đến hàng hàng không; là trung tâm tiếp nhận, lưu trữ, sơ chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn, phân phối hàng hóa phục vụ các KCN lân cận, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng Vũng Tàu và cả khu vực cảng biển Đông Nam Bộ; là khu vực có chức năng tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa đi, đến các tỉnh thành trong cả nước và các quốc gia trên thế giới thông qua đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ; gắn kết với khu dịch vụ hỗ trợ khác như khu kiểm tra hải quan, biên phòng, kiểm dịch, khu tài chính ngân hàng, cơ sở đào tạo logistics.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Đông Nam Bộ (1.987 km²).
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt ngày 16/12/2023 xác định mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với GRDP bình quân đầu người từ 18.000 – 18.500 USD.
Đời sống & pháp luật